Câu triết lý mà nhiều người thường nói là, thượng đế chẳng cho ai cái gì và cũng chẳng lấy không đi của ai cái gì. Quả thật Ngài rất sòng phẳng, nếu quý ông bảo rằng thượng đế cho mình cái quyền được nhâm nhi thì thượng đế cũng trừng phạt sự nhâm nhi đó. Sau một chầu chạm cốc tưng bừng với nhiều người là nỗi buồn riêng của người mắc bệnh gút…
Bệnh gút (gout) còn gọi là bệnh thống phong. Dấu hiệu điển hình của bệnh là sưng- nóng- đỏ và đặc biệt là rất đau. Bệnh gặp chủ yếu ở đàn ông ( trên 95%) ở độ tuổi trung niên 40-50 tuổi, hiếm khi gặp ở phụ nữ. Chính vì thế mà có thể gọi gút là nỗi khổ mang tính đàn ông.
Bệnh gút có chiều dài lịch sử. Các nhà chuyên môn của nên y học thời Hy Lạp cổ đại đã mô tả căn bệnh này. Đến thời vị Thủy Tổ nền y học hiện đại là Hyppocrates thì ông gọi đây là bệnh của các Vua hay vua của các bệnh. Điều này có lẽ được xuất phát từ đặc điểm của bệnh là do cơ thể được cung cấp đạm dư thừa và một khi lên cơn đau thì đau thấu trời xanh.
Tuy bệnh gút là nỗi khổ mang tính đàn ông nhưng quý bà không thể không quan tâm bởi khẩu phần ăn của quý ông là do quý bà cung cấp. Một bữa ăn giàu chất đạm cho người mắc bệnh gút là một thảm họa theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh gút là do lượng aciduric tăng cao trong máu. Bình thường aciduric vẫn có trong máu với một hàm lượng hằng định. Do sợ trục trặc nào đó của cơ thể khiến cho acid uric không được thải trừ ra nước tiểu hoặc quá trình tổng hợp lớn hơn quá trình thải trừ khiến cho hàm lượng acid uric máu gia tăng, bình thường lượng acid máu dưới 7mg/100ml. Các phân tử acid uric kết dính lại với nhau tạo thành những chum gai bám dính vào các khớp hàn hạ khổ chủ.
Giai đoạn đầu, bệnh khởi phát đột ngột, thường là nửa đêm về sang, sau một chầu nhâm nhi sương sương hoặc một bữa ăn thừa đạm. Cơn đau xảy ra ở các khớp như khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay.. Nhưng điển hình nhất là vùng ngón chân cái, nóng đỏ, sưng mọng, đau dữ dội. Ngoài ra còn có thể đi kèm triệu chứng toàn thân như sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, nôn mửa. Sau vài ngày thì cơn sưng đau giảm dần rồi biến mất như chưa có điều gì xảy ra. Thực ra đây chỉ là một khoảng lạng như trên khuôn nhạc mà thôi. Sau vài tuần hoặc vài tháng thì cơn đau lại đột ngột viếng thăm với mức độ dữ dội không thua kém gì lần thăm viếng đầu tiên. Bệnh gút tái phát từng đợt với mật độ dày hơn và ngày càng nhiều khớp viêm hơn. Vài năm sau thì chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Ở giai đoạn mạn tính ngoài sưng đau nhiều khớp và kéo dài còn thấy nổi các u cục to nhỏ không đều. Đôi khi cục u bị vỡ xì ra một thứ bộ trắng như phấn đó là các phân tử acid uric lắng đọng dưới dạng muối urat, sự lắng đọng này ở thận sẽ tạo ra cơn đau quặn thận do sỏi. Sự biến dạng các khớp, cứng khớp và tàn phế là kết cuộc bị thảm của bệnh nhân gút.
Điều đáng mừng là nên y học hiện đại đã tìm ra các loại thuốc tốt giúp chống lại nỗi khổ mang tính đàn ông này. Tuy nhiên thuốc chỉ có tác dụng ở giai đoạn sớm. Các triệu chứng sưng- nóng- đỏ- đau sẽ tan biến một các kỳ diệu sau khi uống thuốc khoảng 12 giờ. Thời gian điều trị là 5-7 ngày. Việc kiêng cữ trong ăn uống là điều bắt buộc. Nếu không bệnh sẽ tái phát, bởi thuốc điều trị hiện chưa dọn sạch bệnh đến tận gốc rễ. Các thuốc thường dùng là Colchicine để chống viêm, giảm đau và Allopurinol, Uricozym để làm giảm nồng độ acid uric trong máu. Các thuốc đều phải dùng theo sự chỉ định của bác sĩ.
Một điều mà bệnh nhân gút luôn phải nhớ là tránh các thức ăn nhiều đạm và tránh uống nhiều rượu bia. Việc tiết thực hợp lý là các phòng bệnh tốt nhất cho những ai đã từng thấm đòn với cơn đau bệnh gút. Uống nhiều nước, tốt nhất là nước khoáng chứa bicarbonate giúp thải acid uric. Lưu ý không dùng các thuốc làm tăng acid uric máu như Aspirin, Corticoides, lợi tiểu nhóm Thiazide. Ngoài ra cũng cần tránh các nguy cơ làm xuất hiện bệnh như cảm lạnh, giày chật, làm việc quá sức, chấn thương hoặc nhiễm khuẩn.