Chế độ ăn và bệnh loãng xương

Theo các chuyên gia y học bốn phương thì việc chuyển hóa xương chịu ảnh hưởng tác dụng của các hormon khác nhau. Mức calci trong máu do cả hormon tuyến cận giáp và calcitonin điều chỉnh. Hormon cận giáp huy động calci từ xương còn calcitonin thúc đẩy tích lũy calci ở xương.

Hormon tuyến cận giáp cũng tăng cường hoạt động vitamin D, tăng cường hấp thu calci ở ruột và giảm bài xuất calci theo nước tiểu.

Khối xương đạt tới đỉnh ở khoảng 30 – 40 tuổi sau đó độ khoáng hóa giảm dần. Lượng xương mất tương đối nhanh ở phụ nữ 5 năm đầu sau mãn kinh, ở xương cột sống giảm 3 – 6 % hàng năm còn ở nam giới xương giảm tương đối ổn định từ 0,5 – 2% (tùy theo vị trí) sau khi khối xương đạt tới đỉnh.

Bệnh loãng xương
Bệnh loãng xương

Lượng calci trong khẩu phần không ảnh hưởng “đến đỉnh” cốt hóa của xương mà là tạo điều kiện để tỷ trọng xương đạt tới mức tối đa của tiềm năng di truyền đã được “mã hóa”.

Trong cơ thể chuyển hóa calci liên quan tới protein và natri, cả hai chất này tăng bài xuất calci theo nước tiểu. Trước đây, chế độ ăn giữa các nước phương Tây và các nước nghèo khác nhau nhiều về lượng calci (chủ yếu từ sữa) nhưng điều đó tỏ ra ít ảnh hưởng đến tỷ lệ loãng xương và chất lượng xương.

Trong khẩu phần của nhân dân ta trước đây thường nghèo cả protein (ít thức ăn động vật) và calci (ít sữa) do đó đã có một sự cân đối giữa calci và protein. Điều đó đã tạo điều kiện tốt cho quá trình cốt hóa, người bé nhỏ nhưng chắc. Tình trạng đẻ dày, chế độ dinh dưỡng thiếu thốn sau những lần sinh nở đã tạo điều kiện cho các biểu hiện loãng xương khi về già.

>>> Xem thêm: Nam giới không nên bỏ qua thực phẩm cải thiện testosterone 

Hiện nay, chế độ dinh dưỡng bước đầu được cải thiện, tuy vậy đó vẫn lo thiếu đạm cho rằng càng ăn nhiều thịt, nhiều protein càng tốt nên một số bà mẹ chỉ lo bồi dưỡng cho con nào thịt, giò, chả, trứng vịt lộn… mà chưa để ý rằng thịt không phải là nguồn calci tốt.

Chế độ ăn nhiều thịt, nhiều protein làm rối loạn cân bằng calci, ảnh hưởng xấu đến quá trình cốt hóa. Đối với trẻ em, sữa và chế phẩm (chứ không phải thịt) mới là nguồn protein và calci quí giá.

Vitamin D, đồng, kẽm, Mangan, fluor là các yếu tố ảnh hưởng tới tích chứa calci ở xương.

 Chế độ ăn có đủ rau quả, sữa gầy cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo xương
Chế độ ăn có đủ rau quả, sữa gầy cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo xương

Ở một số đối tượng, nhu cầu calci cần được bổ sung, đó là thanh thiếu niên, phụ nữ ở thời kỳ có thai và cho con bú. Một người mẹ nuôi con bú 6 tháng có thể mất 4 – 6% lượng calci của xương nếu không được bổ sung thích hợp.

Tuổi già (cả nam và nữ) liên quan tới quá trình giảm khoáng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Tuy vậy, cho tới nay ở lứa tuổi này mới chú ý tới mức calci ăn vào nhưng gần đây trọng tâm đã chuyển sang đảm bảo đủ vitamin D cho họ. Người già thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giảm đi, mức vitamin D thấp hơn khi còn trẻ do đó chế độ ăn cần có đủ vitamin D, thông thường là các loại sữa bột có tăng cường.

Quá trình giảm khoáng sau khi mãn kinh phụ thuộc nhiều vào lượng oestrogen nhưng sau đó chế độ ăn đủ calci có vai trò tích cực, đặc biệt khi đi kèm vitamin D. Nhiều bằng chứng cho thấy duy trì một chế độ dinh dưỡng calci hợp lý thường xuyên có lợi hơn là chỉ tập trung vào một thời kỳ nhất định và cũng không có căn cứ để cho rằng ở một lứa tuổi nào đó càng nhiều calci càng tốt (lượng calci tới 2500 mg mỗi ngày nói chung an toàn nhưng quá nhiều lại là yếu tố nguy cơ của sỏi thận).

, , ,